RAM là gì

Nếu bạn là một người dùng máy tính thì chắc hẳn bạn đã nghe đến tên của những bộ phận trong chiếc máy tính của mình như là bộ vi xử lý (CPU), Mainboard hay card màn hình,…. Và chắc hẳn bạn cũng đã nghe đến RAM rồi đúng không. Nhưng đã bao giờ bạn tự hỏi hay thắc mắc rằng RAM là gì chưa? Nếu bạn chưa biết RAM là gì thì bài viết này sẽ giúp bạn có những kiến thức đầy đủ nhất về RAM (cas là gì, bus là gì,…) để bạn có thể hiểu và biết rõ hơn về chiếc RAM đang được lắp trong máy tính của mình.

 

RAM là gì ?

RAM là gì ? RAM (tên Tiếng Anh – Random Access Memory) là loại bộ nhớ truy xuất ngẫu nhiên – tức là loại bộ nhớ cho phép truy xuất đọc – ghi ngẫu nhiên đến bất kỳ vị trí nào trong bộ nhớ dựa theo địa chỉ ô nhớ. Thông tin lưu trên RAM chỉ là tạm thời, những thông tin đó sẽ mất đi nếu nguồn điện cung cấp không còn, nó khác với ROM (Read-Only Memory) là loại bộ nhớ mà thông tin lưu trên ROM vẫn được duy trì dù nguồn điện cấp không còn.

Đặc trưng của RAM

Bộ nhớ RAM có những đặc sau:

• Dung lượng bộ nhớ: Tổng số byte của bộ nhớ (nếu tính theo byte) hoặc là tổng số bit trong bộ nhớ nếu tính theo bit.

• Tổ chức bộ nhớ: Số ô nhớ và số bit cho mỗi ô nhớ

• Thời gian thâm nhập: Thời gian từ lúc đưa ra địa chỉ của ô nhớ đến lúc đọc được nội dung của ô nhớ đó.

• Chu kỳ bộ nhớ: Thời gian giữa hai lần liên tiếp thâm nhập bộ nhớ.

Vai trò của RAM

Trái ngược với ổ cứng, bộ nhớ của RAM thấp hơn bộ nhớ của ổ cứng khá nhiều, tuy nhiên RAM lại là nơi để CPU lấy dữ liệu để xử lý nên tốc độ ghi và đọc trong RAM rất nhanh. RAM đóng vai trò quyết định đối với khả năng thực thi đa nhiệm của máy tính. Dung lượng RAM càng lớn, chu kỳ bộ nhớ càng nhanh… thì thiết bị có thể chạy cùng lúc nhiều ứng dụng càng thoải mái. Nếu dung lượng RAM không đủ, máy sẽ gặp phải hiện tượng giật lag hoặc treo do số lượng các tác vụ lớn gây tràn bộ nhớ.

Phân loại RAM

Trên thực tế, bản thân RAM cũng có sự khác biệt. Các loại RAM đang phổ biến trên thị trường hiện nay là DDR, DDR 2, DDR 3 và DDR 4:

• DDR 1: (tên đầy đủ của nó là DDR SDRAM, DDR là viết tắt của cụm từ Double Date Rate). Loại RAM DDR 1 này bây giờ rất hiếm, vì nó có tuổi đời hơn chục năm rồi. Và bây giờ nó cũng không còn phù hợp với cấu hình phần cứng hiện tại nữa, nó quá yếu và không thể đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dùng.

• DDR 2: Đây là thế hệ tiếp theo của RAM DDR 1 sử dụng cho các bảng mạch sử dụng Chipset Intel dòng 945 -> G31. Loại chip này sử dụng công nghệ chân đế tiếp xúc Socket 775. Và cho tới thời điểm hiện tại (năm 2017) thì vẫn còn khá nhiều máy tính dùng loại này. Loại RAM này thường được sử dụng cho các CPU Intel Core Duo, Core 2 Duo…

• DDR 3: Có lẽ đây là loại RAM phổ biến nhất thị trường hiện nay, nó được sử dụng rộng rãi cho các thế hệ máy tính đời mới. Loại RAM này thường được sử dụng cùng với CPU Intel Core 2 Duo, Core I3/ I5 hoặc I7….

• DDR 4: Là loại RAM mạnh mẽ nhất hiện nay, nó chỉ tương thích với một số phần cứng đời mới hiện nay.

 

Các thông số về RAM cần biết

Dung lượng

Dung lượng RAM được tính bằng MB và GB, thông thường RAM được thiết kế với các dung lượng 8, 16, 32, 64, 128, 256, 512 MB, 1 GB, 2 GB… Dung lượng của RAM càng lớn càng tốt cho hệ thống, tuy nhiên không phải tất cả các hệ thống phần cứng và hệ điều hành đều hỗ trợ các loại RAM có dung lượng lớn, một số hệ thống phần cứng của máy tính cá nhân chỉ hỗ trợ đến tối đa 4 GB và một số hệ điều hành (như phiên bản 32 bit của Windows XP) chỉ hỗ trợ đến 3,2 GB.

BUS

Bus của RAM là gì thì có thể hiểu là độ lớn của kênh truyền dẫn dữ liệu bên trong RAM, Bus của RAM càng lớn thì lưu lượng dữ liệu được xử lý càng nhiều. Bus của RAM thường gặp của Laptop hiện nay là 1600 MHz, có thể lên đến 2133 MHz hoặc 2400 MHz.

Có 2 loại Bus là Bus Speed và Bus Width:

• Bus Speed chính là BUS RAM, là tốc độ dữ liệu được xử lý trong một giây.

• BUS Width là chiều rộng của bộ nhớ. Các loại RAM DDR, DDR2, DDR3, DDR4 hiện nay đều có BUS Width cố định là 64.

Cách tính băng thông Bandwidth từ Bus Speed và Bus Width: Bandwidth = (Bus Speed x Bus Width) / 8

Băng thông (BandWidth) là tốc độ tối đa RAM có thể đọc được trong một giây. Bandwidth được ghi trên RAM là con số tối đa theo lý thuyết. Trên thực tế, bandwidth thường thấp hơn và không thể vượt quá được con số theo lý thuyết. Công thức tính: Bandwidth = (Bus Speed x Bus Width)/8.

Tốc độ truyền tải của một số loại RAM

Độ trễ (Latency)

Khái niệm độ trễ biểu thị quãng thời gian bạn phải chờ trước khi nhận được thứ mình cần.

CAS là viết tắt của ‘Column Address Strobe’ (địa chỉ cột). Một thanh DRAM được coi như một ma trận của các ô nhớ (bạn có thể hình dung như một bảng tính excel với nhiều ô trống) và dĩ nhiên mỗi ô nhớ sẽ có toạ độ (ngang, dọc). Như vậy bạn có thể đoán ngay ra khái niệm RAS (Row Adress Strobe) là địa chỉ hàng nhưng do nguyên lý hoạt động của DRAM là truyền dữ liệu xuống chân nên RAS thường không quan trọng bằng CAS.

Các loại Module của RAM

Trước đây, các loại RAM được các hãng sản xuất thiết kế cắm các chip nhớ trên bo mạch chủ thông qua các đế cắm, điều này thường không thuận tiện cho sự nâng cấp hệ thống. Cùng với sự phát triển chung của công nghệ máy tính, các RAM được thiết kế thành các module như SIMM, DIMM  để thuận tiện cho thiết kế và nâng cấp hệ thống máy tính.

• SIMM (Single In-line Memory Module)

• DIMM (Dual In-line Memory Module)
– SO-DIMM: (Small Outline Dual In-line Memory Module): Thường sử dụng trong các máy tính xách tay.

Cần bao nhiêu RAM thì đủ?

Đây là câu hỏi mà nhiều người sẽ thắc mắc mỗi khi nói về RAM. Thực ra thì tùy theo nhu cầu sử dụng của mỗi người mà lượng RAM sẽ biến đổi theo nhưng mức RAM tối thiểu cần nhất cho 1 máy tính là từ 1GB trở lên.

Đối với những người chỉ có những nhu cầu đơn giản như nghe nhạc, xem phim, lướt web thì lượng RAM cần sẽ chỉ từ khoảng 2 cho đến 4GB là đủ nhưng với thời đại ngày càng phát triển như ngày nay thì lời khuyên là bạn nên sắm cho máy tính mình tối thiểu lượng RAM là 4GB dù nhu cầu của bạn vẫn chỉ có vậy. Còn đối với những người có nhu cầu cao hơn như chơi game (đặc biệt là những game yêu cầu cấu hình cao), đồ họa, lập trình,… thì tối thiểu lượng RAM là 4GB, nếu có điều kiện hãy nâng cấp lên 8, 16, 32GB,… vì đây là những nhu cầu cần có cấu hình cao, đặc biệt là RAM.

 

 

This Post Has One Comment

Trả lời