Topre switch đắt nhưng liệu có đáng tiền?

Trải qua thời gian rất dài phát triển và thay đổi trên thị thường, bàn phím vẫn luôn là thứ tuyệt nhiên không thể thiếu trong 1 bộ máy tính, nó đã và đang thay đổi liên tục để phù hợp hơn với từng đối tượng người dùng, từ những người dùng cơ bản gõ văn bản, coder cho đến những người dùng là những người thích chơi hay game thủ từ không chuyên đến chuyên nghiệp. Vậy thứ gì thực sự đã tăng trải nghiệm sử dụng bàn phím, đó chính là những công tắc (switch) nhận tín hiệu trên chiếc bàn phím và sự ra đời của phím cơ như là cuộc cách mạng thay thế cho những chiếc bàn phím cao su đã lỗi thời để tăng trải nghiệm cảm giác gõ phím cho người sử dụng, bàn phím phát triển từ những chiếc bàn phím sử dụng màng cao su để nhận tín hiệu (membrane) cho đến những nút sử dụng công tắc cơ học để nhận lệnh (mechanical switch) và mới nhất là loại công tắc quang học (Optical mechanical switch) đã mang lại những cảm giác gõ phím tuyệt vời. Vượt lên trên tất cả về giá thành của những loại switch trên thì lại là một đứa con lai giữa membrane và switch cơ học đó chính là Topre.

Vậy switch topre cấu tạo ra sao?

Nói sơ qua 1 chút về Switch Topre:

Loại switch xuất xứ từ công ty Topre Corporation ở xứ sở Hoa Anh Đào, đây là 1 loại switch khá đặc biệt khi nó thay vì sử dụng những lá đồng bên trong switch như Cherry, Gateron, Kailh, Romer-G, Matias …. truyền thống để nhận tín hiệu, Topre switch sử dụng công nghệ “Capactive non-contact switch” nôm na là công tắc điện dung không tiếp xúc, sử dụng màng cao su cách biệt giữa phần nhấn và lò xo để nhận tín hiệu.

Cấu tạo bên trong của Topre switch – Từ trên xuống dưới:

Topre switch

  1. Nắp phím (Keycap)
  2. Nắp chứa ( Keyswitch housing)
  3. Lò xo (Spring)
  4. Cảm biến điện dung (Capacitive Sensor)
  5. Trụ trượt kết nối nắp chứa và keycap (Slider)
  6. Tấm đế cố định housing (Switch mounting Plate)
  7. Màng cao su đàn hồi (Tactile Rubber Dome)
  8. Bảng mạch

Ưu điểm:

Sử dụng công nghệ thay đổi điện trở để nhận tín hiệu làm cho việc sử dụng loại công tắc bán cơ này hằng ngày trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn so với việc sử dụng phím cao su thông thường do hành trình nhấn để bảng mạch nhận tín hiệu đã giảm đi rất nhiều thay vì phải bấm hết hành trình phím như trên bàn phím cao su thông thường. Hành trình phím ngắn nên lực nhấn cũng giảm thiểu đáng kể, chỉ cần với 1 lực chỉ cần là khoảng 45gram là phím đã nhận được tín hiệu, việc này sẽ tạo cho người dùng cảm giác thoải mái gõ phím trong thời gian dài do sự cộng hưởng của lực nén của lò xo cùng màng cao su, đây chính là điểm tao nên thương hiệu và làm cho giá thành của bàn phím sử dụng switch này trở nên khá cao, bù lại gõ trên loại switch này mang đến cảm giác bấm vô cùng khác lạ không giống như khi bấm trên những chiếc phím sử dụng mechanical switch thông thường do độ phản hồi không quá mạnh cũng không quá mềm khi ta ấn xuống.

Mang trong mình đặc tính của cả switch cơ học cũng như của phím màng cao su nên Topre switch cũng thừa hưởng giúp chiếc bàn phím có luôn những tính năng như là n-key rollover và anti ghosting trên phím.

Nhược điểm:

Đúng với cái chất của người Nhật Bản, chất lượng bên trong nhưng không quá màu mè bên ngoài, và Topre cũng không là ngoại lệ, tuy chất lượng và tuổi thọ cũng như độ bền của switch là không phải bàn cãi nhưng hạn chế lớn nhất của nó là sự tùy biến. So với những bàn phím sử dụng switch cơ học và quang học sử dụng đèn LED, bàn phím sử dụng Topre không thể gắn được LED trong từng công tắc của chúng do cấu tạo housing kín khác với những housing của phím cơ học thường thấy trên thị trường.

Ngoài đèn LED thì tính tùy biến trên loại switch này cũng bị ảnh hưởng bởi khả năng thay đổi Keycap, do trụ kết nối (slider) cũng không giống so với slider thông thường của phím cơ cherry nên việc thay keycap cũng hạn chế đối với người dùng muốn làm mới chiếc bàn phím của mình.

Giá thành cao cũng là 1 điều khiến cho người cũng phải cân nhắc về vấn đề muốn hay không sở hữu cho bản thân 1 chiếc bàn phím sử dụng, bàn phím sử dụng switch Topre có giá thành không hề rẻ nếu không muốn nói là cao. Giá thành trung bình của 1 chiếc phím sử dụng switch này luôn dao động từ khoảng 4 triệu đồng cho đến gần 6 triệu còn những phiên bản đặc biệt thì giá còn cao hơn. Khoan bàn đến nhữn chiếc phím cơ custom tùy biến thi với mức giá này anh em luôn có thể tìm đến lựa chọn tốt trong phân khúc Hi-end hơn như là những chiếc bàn phím sử dụng Mechanical switch hoặc Optical-mechanical switch của các hãng lớn nổi tiếng như Corsair, Razer, Asus, HyperX, … với đủ tùy chỉnh về LED cũng như là thay đổi keycap nếu quá nhàm chán với bộ keycap thường xuyên sử dụng.

Topre switch

Cấu tạo tốt nhưng làm hạn chế việc gắn đèn LED và thay đổi Keycap trên switch Topre

Hai hãng lớn sử dụng loại switch này nhiều nhất là Realforce và HHKB, ngoài ra còn có Leopold và Coolermaster là những hãng cũng sử dụng loại switch này trên 1 số dòng sản phẩm bàn phím của họ.

Nhưng khác với HHKB thì Realforce đã có bước tiến lớn khi đã giải quyết được vấn đề về cách đưa đèn LED RGB vào sản phẩm của họ cũng như là làm cho bàn phím của họ có thể thay thế và gắn được những bộ key cap khác thông thường, ngoài ra còn có chiếc Novatouch của Coolermaster cũng đã giải quyết được vấn đề thay đổi keycap trên bàn phím bằng cách cũng thay đổi Slider sao cho phù hợp với chân tiếp xúc của keycap thông thường.

Topre switch

Thay đổi nhỏ này giúp góp phần tạo nên sự tùy biến đa dạng không khác gì những chiếc phím cơ thông thường

Topre switch

Chiếc Realforce RGB thể hiện sự khác biệt so với những chiếc bàn phím sử dụng switch Topre khác khi vừa có được cả hệ thống LED cũng như sự tùy ý thay đổi keycap.

 

So sánh cảm giác gõ so với switch cơ học thông thường

Xét trên cùng 1 phương diện là 2 chiếc bàn phím cùng sử dụng chung 1 loại chất liệu keycap là PBT 2 lớp.

Theo cảm nhận cá nhân của tôi cảm giác gõ trên Topre nó độc và lạ như cái cách cấu tạo của chính nó vậy, tiếng phát ra từ switch Topre nổi tiếng với âm thanh hướng xuống dưới. Khi bấm, âm thanh sâu và rỗng được tạo ra bởi chính cái lớp vòm cao su kết hợp cùng với plate và lớp vỏ case bằng nhựa. Hầu hết những lực kháng lại khi ấn phím đều tập trung và khi phím xuống khoảng ¼ trước khi chạm đáy, chúng mất phần lớn lực cản và ta dễ dàng có thể bấm hết hành trình để nghe tiếng của nó (hay còn gọi là bấm bottom out) rất dễ dàng. Nhưng thực sự là những người quan tâm và muốn có được cảm giác thật nhất thì vẫn luôn cần phải tự bản thân thử nó, nhưng để tóm tắt lại về cái cách mà tiếng kêu của Topre mang lại là nói nó có cảm giác giống như bàn phím sử dụng vòm cao su tinh tế nhất mà bạn từng gõ, với âm thanh rất độc đáo và dễ chịu.

Với những switch cơ học thông thường ví dụ như cherry switch, khi bấm tôi luôn phải dùng lực nhiều hơn nhưng lại không có được cái cảm giác bấm mạnh trong từng phím bấm do lực nén của lò xo khá cao, do đó khiến tiếng kêu vang hơn khi cùng kiểu bấm bottom out, nhưng cũng vì chính lò xo trong switch mà lực phản lại vào đầu ngón tay luôn lớn hơn so với việc có vòm đệm cao su đi kèm trong Topre switch nên đây xứng đáng là 1 điểm cộng rất dành cho Topre switch.

Nếu phải tả việc bấm switch topre thì tôi có thể nói như việc chúng ta người ấn vào 1 bọc giấy bong bóng chống va đập rất mềm, còn với cherry thì như việc ta bấm bút bi cần lực nhiều hơn cũng như nó sẽ mang lại tiếng lớn hơn. Nhưng trải nghiệm của mỗi người là khác nhau nên việc yêu thích tiếng và cảm giác cũng như tiếng của switch cũng vẫn tùy thuộc vào mỗi cá nhân.

Anh em cùng trải nghiệm âm thanh so sánh giữa hai loại switch này với video dưới đây nhé:

Tổng kết

Bền, chất lượng, phản hồi nhanh, lực bấm vừa phải thích hợp cho cả gõ văn bản cũng như chơi game, nhờ công nghệ kết hợp giữa cao su và lò xo tạo cảm giác bấm chắc chắn tạo âm thanh hấp dẫn cho người sử dụng là những điểm rất đáng khen ngợi trên loại Switch “dị” này.

Nhưng bên cạnh đó thì tính tùy biến thấp và giá thành cao lại những điểm khiến cho Topre lại trở thành loại switch kén người dùng.

Trên đây là bài đánh giá cũng như lời giới thiệu của tác giả về công nghệ Switch khá đặc biệt đến từ Nhật Bản. Và để trả lời câu hỏi ở tiêu đề thì vẫn luôn là ở sự lựa chọn của mỗi người, liệu anh chị em sẽ dùng những chiếc phím Topre này vào góc Hi-end của chính mình?

– From group Phong Vũ Hi-end with Love –

Bach.LT
LHN