Chuột chơi game để cày game FPS (bắn súng góc nhìn thứ nhất) vẫn có một chút khác biệt so với các game RTS, MOBA, và tất nhiên là khác rất nhiều so với các loại chuột nhiều nút tích hợp phục vụ RPG. Cái một chút đó thật ra là một sự đòi hỏi khá nhiều về công nghệ:

  • – Mắt đọc (cảm biến) đời cao, không có gia tốc phần cứng hỗ trợ quét chính xác tuyệt đối.
  • – Nút bấm đủ độ cứng (không quá nhẹ) chống cướp cò, không bị lỏng lẻo.
  • – Vỏ có các loại vật liệu tăng ma sát và chống lưu nhiệt phục vụ sử dụng thời gian dài.
  • – Mousefeet có độ bám và độ mịn khi di, chống mài mòn tốt.

Bên cạnh đó là các yêu cầu chung cho chất lượng chuột phù hợp thực tiễn nhất như:

  • – Đầu dây mềm, dây không quá nặng tránh được hiện tượng nặng đầu chuột.
  • – Thiết kế hình dáng tạo sự thoải mái cho thói quen cầm nắm tự nhiên để tăng cảm giác tay tốt nhất.

Xin giới thiệu tới các bạn đại diện của 5 hãng gaming gear đình đám theo kinh nghiệm của một kẻ ăn ngủ với FPS game nhiều năm, đúc rút ra những lựa chọn này bằng các tựa game CS:GO, Overwatch và vẫn đang hot là PUBG.

I. Razer Lancehead Tournament EditionRazer lancehead tournament

Đã lâu rồi Razer mới có một gaming mouse thiết kế giống như “đầu rắn” như cái cách mà Razer đặt tên các loài rắn cho đội ngũ con cưng của mình. Sử dụng cảm biến Pixart PMW3389, một trong những cảm biến có độ quét mạnh mẽ nhất, tỉ lệ quét 1:1 và không có gia tốc phần cứng. Vỏ ốp Lancehead Tournament Edition mỏng, cho 2 nút bấm chính đàn hồi vừa đủ không quá nhẹ chống được hiện tượng cướp cò. Thiết kế cân đối và hai đường vuốt ở bên hông uốn sâu, vừa vặn với khuôn ngón tay cầm nắm theo cái cách cầm chuột cân đối của đa số game thủ (ngón cái cong, bấm sát vào hông, ngón áp út gập và giữ chuột bằng má ngón). Lớp silicon bên hông tạo ma sát hỗ trợ cầm nắm chắc chắn. Khối lượng 104g là ở mức vừa phải, đủ để chúng ta có thể làm quen ngay, hoặc những anh em đã sử dụng lâu năm các chuột nhẹ hơn vẫn có thể làm quen và sử dụng Lancehead Tournament lâu dài được.Razer lancehead tournament

Nhược điểm đáng kể duy nhất của Razer Lancehead Tournament Edition là lớp vỏ trên sẽ dễ bị xuống mã nếu tay ra mồ hôi nhiều và không vệ sinh thường xuyên, nhỏ hơn là các khe ở bề mặt dễ tích bụi.

II. Logitech G703 Lightspeed Wireless

Logitech G703 Lightspeed Wireless

Con bài PixArt PMW3366 luôn tạo sức nóng được ví như năng lượng nguyên tử của Logitech top flag gaming mouse. Đã có rất nhiều dòng chuột của Logitech sử dụng cảm biến này và G703 cũng không phải ngoại lệ. PixArt PMW3366 là một trong những cảm biến có độ phân giải “khủng bố”, tỉ lệ quét 1:1, tốc độ quét tối đa luôn ở mức quá xa so với tốc độ bàn tay chúng ta. Nút bấm của Logitech G703 theo thiết kế “tách khối” (không liền một khối với vỏ ốp), có lẫy hỗ trợ lực cho hành trình trả về nên tránh được hiện tượng dính nút, không quá nhẹ dẫn đến các pha cướp cò. Thiết kế Ergonomic của G703 là một thiết kế công thái học cho tay phải kinh điển bên cạnh thiết kế huyền thoại của Razer DeathAdder hay Zowie EC trong nhiều năm, game thủ có thể dễ dàng thấy sự quen thuộc ngay từ lần sử dụng đầu. Vỏ nhựa nhám của Logitech G703 tăng ma sát rất tốt và chống mòn hiệu quả. Sóng không dây của G703 thừa khoẻ để đáp ứng điều kiện không độ trễ tín hiệu (rất nhiều streamer Overwatch chơi main các hero hitscan sử dụng chuột này), cùng với khả năng kết hợp với pad sạc Logitech PowerPlay giúp cho việc sử dụng đồng thời với sạc khi di chuột trên bề mặt. Khối lượng 106g không phải là nặng gây cản trở cho việc làm quen.

Logitech G703 Lightspeed Wireless

Nhược điểm của G703 có lẽ chỉ dừng lại ở lớp nhựa nhám trông có vẻ không hoàn hảo trong khâu hoàn thiện, và phiên bản màu trắng không xuất hiện chính hãng ở Việt Nam.

III. Steelseries Rival 310

Steelseries Rival 310

Steelseries TrueMove3 là cảm biến được phát triển từ nền tảng PixArt PMW3360, trong đó có sự điều chỉnh hệ toạ độ “ảo” của cảm biến để trùng với toạ độ “thật” trên bề mặt di, từ đó tự tin khẳng định đây là cảm biến cho tỉ lệ quét 1:1, hoàn toàn không có sai lệch và không có gia tốc tạo ra từ lỗi của phần cứng. Nâng cấp đáng giá thứ nhất của Rival 310 so với thế hệ Rival 300 đó là nút bấm mềm mại hơn với thiết kế tách khối nhưng vẫn giữ độ nặng vừa đủ cho nhu cầu chống cướp cò của game FPS. Nâng cấp đáng giá thứ hai đó là lớp silicon chống mòn bền bỉ tạo độ bám ở hai bên hông, thay thế cho cao su non cực kỳ kém bền ở thế hệ trước. Thiết kế ergonomic thu hẹp về phía đầu nhưng chiều dài thân chuột ngắn hơn Rival 300, thế hệ Rival 310 là một đại diện thay đổi mang tính cách mạng để phù hợp với mọi nhu cầu của game thủ. Ngoài FPS game, Rival 310 phục vụ rất tốt cho RTS hay MOBA nhờ tính thân thiện của dáng cầm và lực nút bấm.

Steelseries Rival 310

Steelseries Rival 310 CS:GO Howl Edition

Nhược điểm và cũng là ưu điểm: Rival 310 với kích thước trung bình nhưng khối lượng lại chỉ có 88g (là khối lượng thường được đặt cho các loại chuột kích thước bé). Đôi khi đây là sự lạ lẫm trước giờ hiếm thấy sẽ gây mất cảm giác tay, nhưng cũng là ưu điểm để game thủ khi làm quen được có thể chơi mọi tựa game linh hoạt không riêng gì FPS.

IV. Zowie EC-B series

Zowie EC-B

Luôn trung thành với các loại cảm biến gốc, như dòng EC-A sử dụng PixArt PMW3310 thuộc loại hàng khủng cho FPS game nhiều năm về trước thì EC-B sử dụng PixArt PMW3360 đời cao hơn, vốn được rất nhiều hãng tin dùng cho các chuột flagship phục vụ FPS game của mình. Khác biệt mà Zowie tạo ra đó là không áp dụng phần mềm điều khiển mà hoàn toàn điều chỉnh thông số bằng phần cứng (các nút chức năng trên thân chuột), cùng với việc giới hạn DPI tối đa chỉ có 3200, Zowie tự tin tuyên bố sẽ loại bỏ được lỗi phát sinh khi tích hợp quá nhiều tính năng vào chuột. Trên thực tế ở cộng đồng game thủ thế giới hay trong các giải đấu, Zowie gaming mouse luôn được biết đến là dòng chuột chuyên sử dụng cho thi đấu nhờ thiết kế “trong sạch” như vậy (không thể ăn gian bằng macro hay các phần mềm hỗ trợ), song song với đó là độ tin cậy cao trong vận hành.

Zowie EC-B

Nút bấm của dòng Zowie EC-B khá là hoàn hảo cho thói quen cầm Palm grip, vì nếu game thủ nhấn đúng trọng tâm của nút sẽ cảm nhận được độ đàn hồi tuyệt vời. Hành trình ngắn nhưng không quá nhẹ để bị cướp cò, vẫn giữ được quãng đàn hồi nhất định, đó là ưu điểm tiếp theo cần nhắc tới ở Zowie EC-B.

Từ mousefeet to bản của thế hệ EC-A, Zowie EC-B đã thu nhỏ mousefeet lại và giữ diện tích vừa đủ ở feet 4 góc đảm bảo chuột luôn cân đối khi di chuyển. Chất lượng mousefeet ở Zowie EC-B được đầu tư đáng kinh ngạc về độ bám tốt nhưng vẫn mịn. Và vì mousefeet đã nhỏ hơn nên với một “thẻ” chứa mousefeet dự phòng, thay vì chỉ có 1 bộ như EC-A thì đã tăng lên 4 bộ cho EC-B. Đây là lợi điểm về lâu dài của Zowie gaming mouse so với các hãng khác. Ngoài ra, khối lượng 90g cho EC2-B và 94g cho EC1-B là rất hoàn hảo so với kích thước.

Zowie EC-B

Zowie EC-B CS:GO series

Nhược điểm cố hữu của Zowie gaming mouse đó là lớp vỏ rất nhanh mòn, và đôi khi là sẽ bóng lộn nhanh chóng. Cuộn thay vì 24 nấc thì chỉ làm 16 nấc, nhu cầu lướt web sẽ hơi có phần cản trở.

V. CoolerMaster Mastermouse Pro L

CoolerMaster Mastermouse Pro L

Đại diện cuối cùng tôi xin dành cho thiết kế cân đối bên cạnh Razer Lancehead Tournament. Tuy về tổng quan chuột không có đặc điểm gì quá nổi trội so với thời đại (như cái cách mà CoolerMaster làm gear từ trước tới nay), chúng ta vẫn cần nhắc tới nhân tố này do “học tập” rất sâu sắc thiết kế kinh điển của Steelseries Sensei đời đầu. Cùng với đó không phải là các bộ feet dự phòng, mà Mastermouse Pro L sẽ dự phòng cho chúng ta nguyên bộ vỏ gồm ốp trên và 2 bên hông để luôn có cảm giác cầm nắm tốt nhất (2 bộ vỏ khác nhau một chút về bề mặt).

CoolerMaster Mastermouse Pro L

Vẫn là hàng khủng từ gốc PixArt PMW3360 không cần phải nói thêm nhiều về độ chính xác và sức mạnh quét bề mặt. Cái cách mà CoolerMaster Mastermouse Pro L “học tập” hay nói một quan điểm cứng rắn hơn là bê nguyên thiết kế vát hông của Sensei đời đầu vào đứa con của mình mới là cái làm game thủ chú ý (ngay cả Sensei 310 vẫn có sự khác biệt so với Sensei).

CoolerMaster Mastermouse Pro L

Thiết kế khá tối giản, thiên hướng classic, mục đích sinh ra là để phục vụ game nên độ bắt mắt về ngoại hình chắc chỉ hơn được ứng cử viên Zowie EC-B ở trên. Cần phải nói đến nhược điểm là nút của Mastermouse Pro L khá cứng, có lẽ chỉ dành cho game thủ tay khoẻ, hay dây cũng bị cứng không được linh hoạt, luôn bắt game thủ phải “uốn nắn” nhiều lần cho mềm mại hơn.

Còn ứng cử viên nào các bạn đang quan tâm và cần phân tích? Vui lòng tương tác với chúng tôi trong group Phong Vũ Hi-end nhé. Good luck & Have fun !

From Phong Vũ Hi-End with Love
Fanpage: https://www.facebook.com/PhongVuHE/
Group: https://www.facebook.com/groups/PhongVuHE/