I. SƠ LƯỢC.

Steelseries Arctis RAW ra đời như một phiên bản đại diện cho thế hệ thay đổi đột phá, sau quá nhiều năm bấu víu lấy hào quang của dòng Siberia vốn là một thiết kế kinh điển mua lại từ Icemat xưa kia. Chính Steelseries với tinh thần quan tâm mạnh mẽ tới nhu cầu thế giới game thủ, đã tự chê Siberia sản phẩm của chính mình rằng không đáp ứng tốt sự tiện dụng và thoải mái trong quá trình sử dụng như một lời nhận lỗi. Từ đó, Arctis series ra đời.

Steelseries Arctis RAW gaming headset - Phong VũSteelseries Arctis RAW gaming headset - Phong Vũ

II. THÔNG SỐ CƠ BẢN

Tai nghe:

  • Kích thước loa Neodymium: 40 mm
  • Tần số đáp ứng: 20–22000 Hz
  • Độ nhạy: 98 dB
  • Trở kháng: 32 Ohm
  • Tỉ lệ méo âm: < 3%

Microphone:

  • Tần số đáp ứng: 100-10000 Hz
  • Độ nhạy: -49 dB
  • Trở kháng: 2200 Ohm

Vì sao lại là RAW?

RAW là một thuật ngữ hay được sử dụng trong nhiều lĩnh vực, với ý nghĩa là thông tin, dữ liệu thô, là nền tảng phát triển cho mọi vấn đề. Phiên bản Steelseries Artics RAW ở đây như là lời giới thiệu dòng Arctis bằng “hiện vật” tới thị trường gaming gear, là một trong những phương pháp tiếp cận game thủ hiệu quả và khá truyền thống mà Steelseries đã từng làm (Sensei RAW gaming mouse là một ví dụ).

Steelseries Arctis RAW gaming headset - Phong Vũ

III. TỔNG QUAN THIẾT KẾ

Khác hoàn toàn như cái cách mà dòng Siberia thiết kế trước đây, Steelseries Arctis RAW là gương mặt đại diện cho Arctis hoàn toàn mới. Cái cách mà Arctis RAW tiếp cận game thủ hơi khác như cái cách mà gaming mouse Sensei RAW đã từng làm. Trong khi đẩy mạnh và rất khắt khe việc khắc phục những lỗi, những thứ gây khó chịu cho game thủ trong quá trình sử dụng mà Siberia gây ra thì Steelseries Arctis RAW lại thiếu đi khá nhiều thứ trong thiết kế của đời Artis 3/5/7. Bài viết này sẽ giúp anh em game thủ tìm hiểu Steelseries Arctis RAW có những gì, có đáng mua với tầm giá 1,2 triệu hay không.

Steelseries Arctis RAW gaming headset - Phong Vũ

Đầu tiên phải kể đến thiết kế thiên hướng siêu cổ điển của thiết kế tai nghe xưa nay: Arctis RAW hoàn toàn không có ruy-băng đệm đầu như dòng Arctis 3/5/7, hay cũng không có đệm làm khung co giãn như Siberia mà thay vào đó là đệm mút bọc da như nhiều thiết kế tai nghe truyền thống. Đây là chi tiết RAW đầu tiên được thể hiện với một sự đầu tư đáng kể hơn hẳn so với các loại tai nghe gaming dòng Siberia.

Steelseries Arctis RAW gaming headset - Phong Vũ

Để điều chỉnh kích thước khung, Steelseries Arctis RAW duy trì kéo dài gọng theo nhiều nấc. Như ở Arctis 3/5/7 sẽ có sẵn một khung tai nghe cỡ lớn, và khung được chính game thủ tuỳ chỉnh bằng ruy-băng co giãn. Chi tiết tiếp theo thể hiện tính chất “RAW”.

Steelseries Arctis RAW gaming headset - Phong Vũ

Để thiết kế khung phù hợp và ôm sát với đầu game thủ tạo độ bám vững chắc, chống xê dịch, tai nghe vẫn được duy trì thiết kế củ tai linh động. Vượt trội hơn so với dòng Siberia đó là áp lực từ đệm tai lên hai bên đầu được dàn đều hơn nhờ thiết kế mới, khác với cái cách mà Siberia phân bố áp lực ở nửa trên nhiều hơn và ở nửa dưới nhẹ hơn.

Steelseries Arctis RAW gaming headset - Phong Vũ

Đệm tai Steelseries Arctis RAW có chất liệu nỉ, bề mặt mịn chống nóng, giảm ma sát được hoàn thiện khá chuẩn chỉ, độ êm thì đảm bảo ngang đệm Kym-đâm họ hàng với Kym-đan (chi tiết chất liệu và khả năng cách âm sẽ được giải thích kỹ hơn ở phần IV. TRẢI NGHIỆM THỰC TẾ nha).

Steelseries Arctis RAW gaming headset

Độ dày tuy trông có vẻ chưa đủ không gian “nuốt” cả đôi tai chúng ta nhưng yên tâm nhé, không gian bên trong được mở rộng nhờ khung lõm vào phía trong thế này. Vấn đề chạm hay kích vành tai là hoàn toàn không xảy ra.

Steelseries Arctis RAW gaming headset

Thiết kế tiện lợi nổi bật nhất ở Steelseries Arctis RAW là chuyển chiết áp chỉnh âm lượng và bật/tắt microphone lên phía sau củ tai trái. Rõ ràng đây là lợi điểm mạnh so với dòng Siberia khi chúng ta không cần phải mò mẫm chức năng tích hợp trên dây nguồn, nhất là khi đang in-game căng thẳng.

Steelseries Arctis RAW gaming headset - Phong Vũ

Microphone kéo rút như các loại Siberia hay Arctis 3/5/7 cũng không có ở trên Steelseries Arctis RAW mà là dạng microphone tháo rời, kết nối bằng chân 3.5mm. Điểm lợi là khi không có microphone, tai nghe trông khá là thời trang, anh em ta có thể dùng với các thiết bị di động ngoài quán café, hay nghe nhạc khi chạy. Điểm trừ là không có nắp cao su che cổng kết nối, vừa có thể bị bụi, vừa hơi “low-tech”, hay dễ bị thất lạc mic nếu không để ý.

Steelseries Arctis RAW gaming headset - Phong Vũ

Lỗ cắm microphone rời

Steelseries Arctis RAW gaming headset - Phong Vũ

Microphone rời chân 3.5mm

Steelseries Arctis RAW gaming headset - Phong Vũ

Lắp hoàn chỉnh trông sẽ như thế này

Steelseries Arctis RAW gaming headset - Phong Vũ

Microphone có độ dẻo nhất định, có thể uốn tuỳ ý.

Dây của Steelseries Arctis RAW có dây gốc liền với tai nghe, giao tiếp 1 cổng tích hợp phục vụ cả 2 tín hiệu âm thanh và microphone (dùng có máy console hay thiết bị di động như điện thoại, laptop sử dụng cổng tích hợp nói chung). Đi kèm là dây nối dài đồng thời chia tín hiệu âm thanh và microphone thành 2 đường riêng biệt phục vụ PC hay các loại laptop sử dụng giao tiếp dạng này.

Tổng quan về chất liệu: Steelseries Arctis RAW chưa đủ độ hoàn thiện ở một vài chi tiết góc khuất nhưng cho một lớp “da” phía ngoài khá mịn và độ hoàn thiện cao so với phân khúc. Để so với đối thủ cạnh tranh cùng tầm giá 1,2 triệu là HyperX Cloud Stinger, rõ ràng Arctis RAW có sự khác biệt rõ rệt về lớp vỏ nhám đều, ít tì vết, cho cảm giác là một tai nghe có sự đầu tư.

Steelseries Arctis RAW gaming headset - Phong Vũ

Logo Steelseries in màu chìm, chỉ có thể nhìn rõ ở môi trường ánh sáng mạnh.

IV. TRẢI NGHIỆM THỰC TẾ

Steelseries Arctis RAW không được nhận diện trong phần mềm Steelseries Engine do sử dụng tín hiệu âm thanh gốc (analog) và không có led, không hỗ trợ soundcard, chung lại là hoàn toàn không có tính năng trong phần mềm. Do đó tôi sẽ đi thẳng vào trải nghiệm thực tế về cảm giác sử dụng, chất lượng âm thanh khi chơi game và nghe một số dòng nhạc tiêu biểu dể phân tích âm thanh.

Sử dụng

  • Áp lực đệm tai được chia đều phía trên và dưới, tuy nhiên phía trước và sau tai sẽ hơi có áp lực về phía trước do củ tai không thể xoay ngang. Đệm tai lúc này hỗ trợ khá tốt việc giảm áp lực chênh lệch. So với Siberia của ngày xưa và các đối thủ trong tầm giá, Steelseries Arctis RAW là một đại diện nổi bật cho tai nghe game đệm tai bằng nỉ có thể sử dụng thoảimái trong thời gian dài.
  • Đệm đầu mềm mại, sử dụng trong thời gian dài không cảm thấy có áp lực trên đỉnh đầu.
  • Chiết áp âm thanh được đặt vị trí rất thuận tiện (ngay sát dây trên củ tai), do đó chỉ cần đặt tay là có thể chạm chính xác.
  • Cách âm tốt nhưng không quá mạnh, game thủ sẽ cần phải cân nhắc khi sử dụng ngoài cyber game. Đối với nhu cầu sử dụng không cần cách âm mạnh để có thể vừa chơi game vừa giao tiếp với đồng đội bên ngoài thì Arctis RAW là khá hoàn hảo.
  • Khối lượng chỉ rơi vào khoảng 244g, là khá nhẹ, gần như game thủ sẽ không có cảm giác đang đeo tai nghe trong thời gian dài tryhard game.

In-game

– Âm mid nghe khá khô, không có độ vang, đây là lợi điểm trong các game FPS khi có thể tách tiếng chân (footstep) và tiếng môi trường lẫn vào. Khi vào các nhà kho thường có hiệu ứng độ vang sẽ nghe được rõ các âm thanh cần thiết phát ra từ địch.

– Âm hình bắt chuẩn âm thanh ở mặt phẳng, chúng ta có thể nghe rất “dính” footstep phát ra (lợi điểm cho game CS:GO). Đối với game sử dụng không gian rộng trên cao như Overwatch, Arctis RAW lại thể hiện không hoàn toàn chính xác nguồn âm phía trên đỉnh đầu hoặc phía chéo trên. Lúc này, kinh nghiệm nghe của game thủ sẽ cần thiết để bù vào khiếm khuyết.

– Âm trường thể hiện rất rộng khi có thể nghe được footstep từ khá xa nhưng không bị “nở” dẫn đến nghe sai lệch, đây là một điều khá ngạc nhiên ở tai nghe gaming tầm giá phổ thông của Steelseries. Không rõ lắm ý đồ này của Steelseries là gì, nhưng thôi anh em cứ hưởng đã 😀

Music (lossless format)

  • Chrono Cross – Time’s Scar

Là bản nhạc game Chrono Cross không lời đủ màu sắc, tiếc là bass của Steelseries Arctis RAW nhấn không sâu và khô (nghĩa là âm bass không có đuôi, không tạo được độ dày). Âm mid cũng bị khô nên khi vào đoạn cao trào của Violin không nổi bật và rõ rệt về màu sắc. Đây là bản nhạc không lời khá ngắn (2:30) có nhiều điểm nhấn từ tốc độ flow chậm cho tới nhanh, Steelseries Arctis RAW không thể hiện tốt độ dày từng đoạn nên mất khá nhiều cảm xúc và “khí thế”. Được âm trường cứu cánh nên các loại nhạc cụ đa dạng được ở trong một không gian khá rộng rãi, không bị đè vào nhau.

  • Delerium – Touched

Là một bản nhạc nhẹ nhàng có giọng hát nữ chính ngọt ngào, xu hướng theo dòng nhạc angelic (một chút healing music thư giãn), bass vốn khá sâu và chi tiết ngay từ những đoạn dạo đầu nhưng vì tính chất nặng về gaming của Arctis RAW, dải bass đã không được tái tạo lại đầy đủ và mất đi nhiều những gì vốn có. Dải mid gồm giọng nữ chính và nhạc nền khá mờ nhạt, có cảm giác các âm bị hạn chế bởi một biên giới và bị “cào bằng”.

Chung lại, nhu cầu thực tế của anh em game thủ là tiện mua tai gaming thì nghe nhạc luôn, hiếm ai mua tai gaming riêng và tai nghe nhạc riêng. Do đó việc test nhạc chỉ như một khả năng kiêm nhiệm để anh em tham khảo thêm, không hoàn toàn đánh giá được chất lượng tổng thể của một tai nghe gaming vốn có tác dụng phục vụ game bắn súng là chính.

Để tổng kết lại ta có sơ đồ để đánh giá Steelseries Arctis RAW như sau:

  • Stage: Khả năng thể hiện âm trường (không gian âm thanh)
  • Image: Khả năng thể hiện âm hình (xác định vị trí âm thanh)
  • Bass: Âm trầm (guitar bass,…)
  • Mid: Âm giữa (vocal, nhạc cụ,…)
  • Treb: Âm cao (độ chói, độ gắt, các nốt cao,…)

Steelseries Arctis Raw

 

Chấm điểm thể hiện ở các mặt trận tham gia:

Steelseries Arctis Raw

 

V. TỔNG KẾT

Đổi thay hay là chết? Tất nhiên là Steelseries sẽ trường tồn với những Arctis và những sáng tạo mới, sau một thời gian dài tính bằng năm chìm trong thị trường gaming gear ngày càng phát triển đa dạng. Những gì tốt nhất xưa kia đã trở thành đại trà ở thời điểm này, Steelseries sẽ còn khá vất vả để cải tổ hệ thống gaming gear của mình mặc dù đã đạt được khá nhiều cột mốc sản phẩm chất lượng mới và giá thành cực kỳ cạnh tranh (có thể kể đến như Arctis series, chuột Rival/Sensei 310, mousepad QcK Edge,…). Với Arctis RAW như  một lời giới thiệu mở màn của Steelseries, việc tiếp cận game thủ cần một sản phẩm phù hợp với túi tiền và chất lượng tốt là hoàn toàn dễ dàng. Chắc chắn khi thử nghiệm Arctis RAW, game thủ chúng ta sẽ rất chú ý và tò mò đến những gì mà đời Arctis 3/5/7 thể hiện.

Ưu điểm

  • Khối lượng rất rất nhẹ, giúp game thủ thoải mái tryhard trong thời gian dài (chỉ 244g)
  • Đệm nỉ nhưng chống nóng tốt, bề mặt mịn chống ma sát gây rát, khác với những thiết kế nỉ cũ.
  • Khung tai nghe dẻo, đồ bền cao, hình dáng hỗ trợ ôm sát với mọi kích thước đầu.
  • Tính năng tích hợp lên củ tai tiện lợi cho việc thao tác thay vì tích hợp vào dây.
  • Lớp nhựa bề mặt ngoài có độ mịn hoàn thiện cao, cho thấy sản phẩm có sự đầu tư về hình thức mặc dù ở phân khúc mang tính “khởi nghiệp” ở tầm giá.
  • Tách biệt rõ các âm thanh trong game bắn súng. Âm trường rộng tái tạo không gian chứa âm thanh lớn.

Nhược điểm

  • Âm hình ở không gian trên cao chưa hoàn toàn chính xác.
  • Nghe nhạc âm bị khô, mất sự ngọt ngào, dải mid không được chú trọng đầu tư.
  • Microphone tháo rời dễ thất lạc nếu không bảo quản kỹ, không có nắp che bụi cổng cắm trên củ tai.
  • Không xoay ngang được củ tai khi đeo cổ tạm nghỉ gây chút vướng víu.

From group Phong Vũ Hi-End with Love
https://www.facebook.com/groups/PhongVuHE/