QLED và OLED đều là 2 công nghệ màn hình cao cấp nhất hiện nay. Vậy điểm khác biệt giữa chúng là gì mà cùng có mức giá rất cao trên thị trường.

Đầu tiên thì QLEDOLED có cách phát âm cũng như kí tự khá là giống nhau nên cũng nhiều người nghĩ rằng QLED là một biến thể của OLED nhưng điều đó hoàn toàn không đúng.

qled và oled 1

Đầu tiên về QLED, QLED ban đầu được đăng kí bản quyền bởi Samsung và đây cũng là hãng đầu tiên cho ra mắt mẫu màn hình QLED trên thế giới tại sự kiện CES2017. Bản thân QLED chính là bản nâng cấp trực tiếp từ Tivi LED nhưng được thêm một lớp nền chấm lượng tử giúp tăng độ sáng và hiển thị màu sắc rất tốt.

Ban đầu QLED được đăng kí thương hiệu bởi Samsung và hãng này giải thích rằng từ Q ở đầu của cụm từ này viết tắt cho Quantum tức là lượng tử. Giờ đây có nhiều hãng khác cũng sử dụng công nghệ QLED như TCLHisence nhưng với Hisence họ tự đặt tên thành ULED.

qled và oled 2

Trước đây Sony đã giới thiệu màn hình chấm lượng tử đầu tiên được bán thương mại tuy nhiên chấm lượng tử chỉ được nằm ở phần đèn nền giúp các bóng đèn LED chiếu ánh sáng qua đó hấp thụ và phát xạ lại các màu sắc chính xác hơn chứ không nằm trong tấm panel. QLED thì ngược lại khi sử dụng chính những chấm lượng tử làm các pixel. Giống như OLED là dùng các diobe phát quang hữu cơ còn QLED là chấm lượng tử được cấu tạo từ vô cơ.

Về mặt hóa học, O trong OLED là organic chỉ những hợp chất hữu cơ ví dụ như Tris (8-hydroxyquinolinato) aluminium (C27H18AlN3O3) được dùng để sản xuất. Trong khi đó những chất vô cơ được sử dụng để sản xuất QLED như InP/ZnS hay CuInS/ZnS. Ngày trước những chấm lượng tử được sản xuất từ CdSe tuy nhiên lại chứa nguyên tố Cadimi độc hại nên không thể sản xuất thành sản phẩm thương mại.

qled và oled 3

Với Tivi OLED thì mỗi điểm ảnh là một diobe phát quang riêng biệt và có thể bật tắt độc lập khi có dòng điện chạy qua. Điều này khiến màu đen trên tấm nền OLED có độ sâu hơn tất cả các mẫu màn hình đang có hiện nay. Đây cũng là tấm nền độc lập không cần đến đèn LED nền như những mẫu Tivi LCD nên độ mỏng cũng rất ấn tượng và chiếc Tivi mỏng nhất thế giới hiện tại đang được bán ra thị trường là LG Signature W7 với độ mỏng chỉ có 2,57mm.

Tivi QLED thì không được mỏng như vậy vì bản chất vẫn có tấm đèn nền chiếu qua những chấm lượng tử. Tuy nhiên điểm mạnh của những chiếc Tivi QLED đó là khả năng uốn cong nhưng vẫn tái tạo màu sắc một cách vô cùng thuần khiết. Điều này có được do Tivi QLED có những ống chứa đầy những hạt lượng tử có thể phát xạ lại màu khi có ánh sáng đi qua chúng một cách chính xác, ví dụ như ánh sáng đi qua ống màu đỏ thì sẽ cho màu đỏ và tương tự với màu khác.

Tất nhiên chi phí cho QLED hiện nay vẫn còn khá cao và hầu như chỉ được nghiên cứu cũng như trang bị trên những chiếc Tivi cao cấp có mức giá đắt đỏ. Tuy nhiên một hãng điện tử đến từ Trung Quốc tên là Hisence đã giới thiệu những mẫu Tivi của mình cũng với công nghệ lượng tử như Samsung nhưng mức giá chỉ bằng 1 nửa và hãng này gọi là công nghệ ULED.

Còn với OLED thì đây vẫn là công nghệ mà các hãng lớn theo đuổi như LG, Sony… Những mẫu Tivi OLED vẫn đang phát triển rất mạnh mẽ và ngày càng cung cấp những công nghệ cao cấp hơn đi kèm như độ phân giải 8K, tần số đáp ứng cao hơn. Bây giờ hầu như tấm nền OLED trên Tivi đều do LG sản xuất và cung cấp do Samsung đã chuyển qua tấm nền QLED. Với việc Samsung bỏ hẳn mảng OLED rất mạnh của mình để chuyển hướng sang QLED thì chúng ta cũng có thể thấy hãng này đã nhìn thấy một tiềm năng của công nghệ màn hình QLED và sẽ cần thời gian để chúng ta kiểm chứng vì dù sao QLED mới chỉ được thương mại trong 1 năm nay.

qled với oled 4
Những lọ chứa đầy hạt lượng tử được sản xuất trong những tấm nền lượng tử như QLED

OLED có một điểm yếu rất lớn chính là khả năng lưu ảnh sau thời gian dài sử dụng. Sau thời gian dài sử dụng thì các đèn siêu nhỏ trong mỗi điểm ảnh sẽ ngày càng “già” do phải bật tắt liên tục nhiều lần. Điều này sẽ khiến chúng không còn linh hoạt về màu sắc như trước và khi có màu sắc nào xuất hiện lâu tại một điểm ảnh nó sẽ lưu lại trong một khoảng thời gian nhất định.

Tất nhiên chưa có kết luận nào rằng màn hình QLED cũng có hiện tượng “bóng mờ” này nên ở thời điểm hiện tại đây là điểm mạnh đáng kể của QLED khi so với đối thủ OLED. Tuy nhiên chúng ta đã từng thấy một thiết bị điện thoại di động của LG cũng sử dụng màn hình lượng tử đó là chiếc LG G4 và màn hình của chiếc điện thoại này 100% có hiện tượng bóng mờ. Có lẽ Samsung cũng đã tính trước và nghiên cứu rất nhiều về QLED vì dù sao đây cũng là công nghệ rất đắt đỏ và nếu có chung điểm yếu này thì hãng sẽ khó mà tâng bốc QLED của mình hơn OLED quá nhiều được.

Tổng kết lại, hiện nay với những mẫu Tivi cao cấp thì tấm nền QLED hay OLED đều mang lại những trải nghiệm cao cấp và không quá hơn nhau về khả năng hiển thị màu sắc hay góc nhìn. 2 mẫu màn hình này cũng vượt trội hơn hẳn những mẫu LCD truyền thống về khả năng hiển thị màu sắc trung thực hay tần số đáp ứng. Có lẽ chúng ta cần thêm vài năm nữa để chứng kiến sự bùng nổ của những tấm nền lượng tử mà bắt nguồn là QLED của Samsung. Tồn tại song song chắc chắn vẫn sẽ có OLED vì đây là một công nghệ vẫn đang phát triển và chưa hề có những dấu hiệu lỗi thời.