Đối với laptop không phải dòng gaming, dù có cấu hình khiêm tốn thì bạn vẫn có thể tận hưởng những tựa game sau vì nội dung của chúng vượt qua mặt hình ảnh, trở thành những tựa game bất hủ qua nhiều thế hệ.

The Walking Dead

The Walking Dead chính là bộ phim làm rộ lên phong trào “Zombie” trên mọi mặt trận. Nối theo nó, một loạt phim về thây ma đã được ra đời tại Hollywood và trên thế giới. Ở cả game và phim, nó là tiền đề cho những siêu phẩm như The Last of Us hay các game về Zombie khác đổ bộ thị trường. Và hiển nhiên, bản thân bộ phim dài kỳ The Walking Dead cũng phải có một phiên bản game để phục vụ fan. Nhưng thay vì chọn một nhà phát triển đại trà để sản xuất game ra cho có, kể lại một cốt truyện giản lược dựa trên cốt truyện gốc mà nhiều fan đã nhai lại cả chục lần, Telltale Games chấp chưởng để sản xuất ra The Walking Dead: Season One.

Việc thay đổi cốt truyện chính là đặc trưng lớn nhất của tựa game. Nếu Telltale Games chọn khai thác đề tài theo cốt truyện gốc thì sẽ chẳng có gì để nói, không có sự khác biệt nhiều so với những tựa game ăn theo phim khác. Để biến sản phẩm của mình trở nên xuất sắc và vĩ đại. Họ chọn kể một câu truyện về hai nhân vật Lee và Clementine.

Một Clementine đơn độc trong thảm họa Zombie, hứa hẹn đem sẽ đến nhiều ký ức và trải nghiệm khó quên cho game thủ trong The Walking Dead: The Video Game.

Qua “phát súng đầu” đầy thành công của The Walking Dead: Season One, nhà sản xuất Telltale Games đã không “ngủ quên” trên chiến thắng. The Walking Dead: Season Two ra mắt trong sự khao khát của hàng ngàn game thủ yêu thích dòng game phiêu lưu tương tác này.

Có thể nói rằng, cuộc phiêu lưu của Lee Everett và Clementine đã chiếm trọn tình cảm của biết bao game thủ. Lee đã ngã xuống ở phần trước, nhưng Clementine vẫn còn đó và bước tiếp trên chặng đường trưởng thành. Vẫn là câu chuyện sinh tồn hỗn loạn, nhưng một Clementine đơn độc trong thảm họa Zombie, hứa hẹn đem sẽ đến nhiều ký ức và trải nghiệm khó quên cho game thủ trong phần 2 của series.

Ở phần 3, Telltale Games sẽ dẫn dắt chúng ta theo góc nhìn của một nhân vật hoàn toàn mới – Javi. Nhiều người chơi đặt ra câu hỏi: “Bước đi này của Tellate liệu có quá mạo hiểm không?“, “việc thay đổi nhân vật chính có phá hủy logic của cả dòng game hay không?“… mọi câu hỏi sẽ được giải đáp khi bạn bắt đầu chuyển phiêu lưu mới này. Dưới một góc độ mới, trải nghiệm của người chơi sẽ hoàn toàn khác biệt.

Bằng cách đưa đẩy cảm xúc người chơi từ trạng thái này trang thái khác, Telltale Games đã tạo ra dòng game The Walking Dead với hai mùa thành công rực rỡ, sánh ngang với tác phẩm kinh điển của Robert Krikman mặc dù sử dụng bối cảnh và nhân vật hoàn toàn khác với cốt truyện gốc trong phim.

Dark Souls Remastered

Phong trào “tân trang” hay “remaster” những phiên bản có tuổi của những dòng game nổi tiếng đang là mảng kinh doanh ưa thích của không ít nhà phát hành lớn, vừa mang trở lại cho game thủ cũ những trải nghiệm xưa, vừa giúp những game thủ mới có cơ hội tiếp cận những sản phẩm làm nên lịch sử. Remaster khác hoàn toàn với thuật ngữ “remake” (làm lại từ đầu), nó chỉ đơn giản là mang đến các cải tiến nhỏ về mặt hình ảnh và một chút sửa đổi, tối ưu hơn về tính năng. Điều này đồng nghĩa với việc khi bạn bỏ ra 40 USD cho Dark Souls Remastered, thì thứ nhận lại được hiện tại cơ bản chẳng khác mấy Dark Souls gốc vào năm 2011 là bao.

Phiên bản gốc Dark Souls: Prepare to Die hoàn toàn bị khóa ở tốc độ 30FPS cũng như độ phân giải tối đa chỉ đạt 720, một con số hết sức khiêm tốn khi những chiếc màn hình Ultra HD, 4K đang dần trở nên phổ biến trong giới game thủ. Đặc biệt là với game thủ PC, khả năng tối ưu hóa cực kém của Dark Souls: Prepare to Die khiến họ phải tìm đến sự giúp đỡ của các bản mod để game hoạt động tốt hơn, đẹp hơn.

Đến với Dark Souls Remastered, độ phân giải nay đã được tăng lên mức đối đa là 4K và hoàn toàn ổn định ở mức khung hình 60FPS – chuẩn mực phải có của những tựa game đặt chân lên nền tảng PC hiện tại. Chưa dừng lại ở đó, để khiến một tựa game có tuổi đời gần 7 tuổi trở nên “hợp thời”, các hiệu ứng vật liệu, hiệu ứng ánh sáng, particle (hạt ánh sáng) và vân bề mặt đều được nâng cấp đáng kể. Đặc biệt là hiệu ứng ánh sáng và các hiệu ứng phép thuật khác gần như được làm mới hoàn toàn, đẹp hơn, ấn tượng hơn. Dark Souls Remastered trông dịu mắt hơn hẳn game tiền nhiệm khi độ thương phản không quá gắt, không lạm dụng tông màu tối, ít bị tái, chi tiết rõ ràng và sáng sủa hơn rất nhiều.