Hàng ngàn người Thụy Điển đã tham gia sử dụng công nghệ chip siêu nhỏ thay cho thẻ căn cước.

Một con chip nhỏ có kích thước bằng hạt gạo có thể được sử dụng để thay thế cho việc sử dụng thẻ căn cước, thẻ ngân hàng và thậm chí có thể mua vé tàu vé xe hoặc thanh toán hóa đơn. Tại một quốc gia hiện đại và có mức sống cao như ở Thụy Điển, người dân rất quan tâm tới sự thoải mái trong mọi công việc, họ thậm chí đã từ bỏ việc sử dụng tiền mặt, thay vào đó là thẻ ngân hàng. Và giờ đây, với công nghệ gắn chip này, họ có thể ung dung ra phố mà chẳng phải mang tới cả thẻ ngân hàng.

Công nghệ này đã xuất hiện từ năm 2015 và đã được ứng dụng thử nghiệm tại nhiều quốc gia hiện đại ở Bắc Âu. Đặc biệt tại Thụy Điển, ý tưởng này nhận được rất nhiều phản hồi từ người sử dụng. Người Thụy Điển đã bày tỏ thái độ tích cực với công nghệ này vì những tính năng tiện dụng mà nó mang lại, và cũng tin tưởng rằng công nghệ cấy chip này sẽ là bước đầu cho một xã hội văn minh và minh bạch hơn.

Đã có khá nhiều người Thụy Điển tham gia trải nghiệm công nghệ cấy chip thông minh.
Đã có khá nhiều người Thụy Điển tham gia trải nghiệm công nghệ cấy chip thông minh.

Cô Urika Celsing là một trong 3000 người đã tham gia chương trình cấy chip này và chia sẻ rằng công nghệ này đang ngày càng cải thiện chất lượng sống của cô. Làm việc tại công ty truyền thông Mindshare, ngày làm việc của Urika bắt đầu bằng việc cô vẫy tay trước một bộ nhận diện mã số trước cửa văn phòng và gõ vào mật khẩu của mình – không cần sử dụng một chiếc thẻ nào. Thậm chí chiếc chip siêu nhỏ này còn thể sử dụng như thẻ tập gym của cô.

Đối với Ben Libberton, một nhà vi sinh vật học làm việc tại Phòng thí nghiệm MAX IV, phía Nam thành phố Lund lại bày tỏ sự quan ngại của mình đối với công nghệ mới này.

Nhà nghiên cứu cảnh báo rằng việc cấy chip sẽ gây ra nhiễm trùng máu hoặc phản ứng trong hệ thống miễn dịch, gây tác hại với sức khỏe người dùng. Nhưng mối nguy hại lớn hơn trong công nghệ này chính là vấn đề lưu giữ dữ liệu. Libberton cũng bày tỏ hoài nghi với việc lưu trữ càng nhiều dữ liệu trong một con chip, mối nguy hiểm với người dùng sẽ tăng theo tỷ lệ thuận, những dữ liệu đó là gì, mà ai có quyền chia sẻ nó, dẫn tới những tranh luận trong vấn đề bảo mật thông tin cá nhân.

Để phản biện lại những lập luận này, Jowan Osterlund, một chuyên gia trong công nghệ cấy ghép đã đưa ra nhận định rằng nếu con người có thể lưu trữ toàn bộ thông tin quan trọng tại một nơi an toàn như chính cơ thể mình, chúng ta càng có thể quản lý chúng một cách dễ dàng hơn.

Đây có thể coi là một trong những công nghệ dẫn đầu trong làn sóng công nghệ 4.0 trong thời gian gần đây, đem lại một trải nghiệm cuộc sống đơn giản và tiện lợi hơn rất nhiều cho con người dưới sự hỗ trợ của công nghệ cao. Nhưng cũng giống như mọi công nghệ, nó luôn có những điểm yếu cũng như hạn chế ngoài công dụng của mình. Hy vọng trong tương lai, công nghệ này sẽ có những phát triển mới và được áp dụng rộng rãi hơn.

Theo The Verge và scmp.com